Ra ở riêng là mong muốn của nhiều cặp vợ chồng đang chung sống cùng bố mẹ, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là biện pháp tuyệt vời nhất. Phía sau quyết định ở riêng là nỗi niềm đắn đo không hề nhỏ khi nhiều cặp vợ chồng chưa có kinh nghiệm, kỹ năng trong tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái.
Đề cao sự riêng tư thường là nguyên nhân đầu tiên khiến các cặp đôi muốn ra ở riêng. Ảnh: Yêu Là Cưới
Mới đây trong nhóm Facebook Yêu Là Cưới, một thành viên đã chia sẻ bài viết quan điểm với tiêu đề: “Cưới vợ về hãy ra ở riêng”. Theo đó, cô nàng cho rằng Người đàn ông nào cũng nghĩ bố mẹ mình rất tốt, rất vui vẻ luôn yêu thương con cháu trong nhà. Và đặc biệt, luôn xem con dâu nhưng con ruột. Tuy nhiên người vợ lại có nỗi khổ riêng khi làm dâu.
“Với các anh, dù có gây bao lỗi lầm nhỏ to thì bố mẹ cũng chỉ mắng vài câu rồi bao dung tất cả. Đơn giản chỉ vì các anh là máu mủ ruột rà, là thành viên trong gia đình bao năm nay. Nhưng với con dâu thì không đơn thuần là thế. Nếu con dâu làm tốt thì được xem là điều hiển nhiên, nhưng nếu làm sai thì bị nhớ mãi, để ý mãi, nhắc mãi, không quên”, bài viết được chia sẻ trong Yêu Là Cưới.
Theo chủ bài viết, người chồng thấu tình đạt lý là biết tạo dựng cuộc sống riêng của mình, đừng nghĩ rằng ra ở riêng là bất hiếu, là không thương cha mẹ. Ra riêng để sống tự lập, để có trách nhiệm với chính cuộc đời của mình, với chính gia đình nhỏ của mình, với chính cha mẹ mình.
Nếu quan hệ giữa các thành viên đều tốt, hãy cân nhắc đến yếu tố tài chính khi ra ở riêng. Ảnh: Yêu Là Cưới
Không dựa dẫm, ỷ lại, không bị chi phối khi quyết định một việc quan trọng của cuộc đời mình. Khi cha mẹ còn khỏe, còn tự chăm sóc được bản thân, hãy xông pha và trưởng thành hơn, để sau này khi cha mẹ già yếu đi, chúng ta cũng đủ khả năng phụng dưỡng cha mẹ tuổi già.
Trên thực tế, người phụ nữ nào cũng muốn có một mái ấm riêng, một không gian riêng được tự do thoải mái chăm lo cho chồng con và được tự do là chính mình trong ngôi nhà của mình. Hẳn đó cũng là mong ước của các bậc mẹ chồng hồi về làm dâu.
Hãy hiểu cho những bà vợ muốn ở riêng, bởi vì không phải họ không yêu thương cha mẹ mình, mà là vì họ sợ những thứ không nên có đối với một gia đình hạnh phúc. Hãy thông cảm cho những người vợ ấy, và trưởng thành hơn để bảo vệ gia đình mình trước những câu chuyện có thể sẽ xảy ra giữa câu chuyện muôn thuở “mẹ chồng - nàng dâu”.
Đối với những gia đình có khoảng cách giữa mẹ chồng và nàng dâu thì việc ra ở riêng là cách tốt nhất để giữ gìn một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên một số gia đình mẹ chồng và nàng dâu lại rất hòa hợp thì việc ở riêng phụ thuộc vào quyết định của cặp vợ chồng ấy.
Đối với những cặp vợ chồng đã có con hoặc đang muốn có con thì việc ra ở riêng nên được lên kế hoạch từ sớm. Ảnh: Yêu Là Cưới
Trước khi kết hôn, nhiều đôi uyên ương không khỏi lo lắng về vấn đề nhà cửa sau khi dọn về sống chung. Đối với các cặp vợ chồng đang sinh sống, làm việc tại thành phố lớn nhưng chưa có nhà riêng thì việc thuê nhà sẽ là một khó khăn lớn. Muốn có một căn nhà tươm tất để hai vợ chồng có thể ở, các cặp gia đình trẻ phải tốn ít nhất từ 2 triệu trở lên mỗi tháng, chưa kể tới các chi phí phát sinh trong nhà.
Ngoài chuyện thuê nhà, các cặp vợ chồng trẻ còn quan tâm tới việc sống chung hoặc sống riêng với gia đình sau khi cưới. Đặc biệt, nhiều cô dâu tâm sự, họ không ngại cuộc sống vợ chồng mà chỉ lo lắng tới việc sống chung và những "va chạm" trong mối quan hệ giữa con dâu và bố mẹ chồng.
Trong trường hợp cô dâu hòa hợp với bố mẹ chồng thì việc sống chung sẽ không quá căng thẳng. Nhưng nếu bạn là cô dâu và không hợp tính người trong nhà bạn nên nhờ chồng là người đứng giữa, gắn kết mối quan hệ này.
Ở chung với bố mẹ chồng cũng có nhiều lợi ích nhất định. Ảnh: Yêu Là Cưới
Tuy nhiên, việc sống chung đôi khi cũng mang đến những điều thuận lợi cho vợ chồng bạn. Với các cặp vợ chồng trẻ có công việc bận rộn hoặc thu nhập trung bình thì khi sống cùng bố mẹ, bạn sẽ đỡ đi được chi phí thuê nhà và có thể nhờ bố mẹ vun vén một phần công việc gia đình vào những lúc bạn quá bận.
Kinh nghiệm tổ chức cuộc sống gia đình, đối nhân xử thế trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái, họ hàng của thế hệ cha mẹ, ông bà rất cần cho các cặp vợ chồng trẻ khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Khi sống chung, vợ chồng trẻ sẽ được tiếp nhận những bài học giá trị từ bố mẹ, ông bà hàng ngày, từ đó tạo nền móng vững chắc để xây dựng hôn nhân bền vững.